NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NGOẠI HÌNH, TẬP TÍNH SINH HOẠT, KHẢ NĂNG VÀ TẬP TÍNH SINH SẢN CỦA LỢN RỪNG THÁI LAN NHẬP NỘI NUÔI Ở MIỀN TRUNG VIỆT NAM

Abstract

Nghiên cứu này nhằm mục tiêu xác định một số đặc điểm về ngoại hình, tập tính sinh hoạt, khả năng và tập tính sinh sản của lợn rừng Thái Lan nhập nội. Nghiên cứu được tiến hành trên 362 lợn (34 đực giống, 136 nái và 192 lợn con) tại cơ sở chăn nuôi Trung Sơn Đà Nẵng. Số lợn này được bố trí vào 34 ô chuồng, mỗi ô gồm có 1 lợn đực 4 lợn nái và con của chúng. Lợn nghiên cứu được nuôi theo hình thức bán hoang dã. Lợn rừng Thái Lan  có đầu nhỏ, thon, dài; hai bên má có hai bạc má; tai nhỏ, vểnh và hướng về phía trước. Lợn rừng có 42 cái răng, trong đó 4 răng nanh rất phát triển, đặc biệt là ở con đực. Màu lông trên cơ thể lợn rừng không đồng nhất; lông bờm ở gáy tốt và cứng, ở con đực phát triển hơn ở con cái, một gốc chân lông có 3 ngọn chụm lại thành cụm. Lợn rừng mới sinh toàn thân có 6 sọc chạy dọc hai bên mình từ hốc tai đến khấu đuôi, sau 5 - 6 tháng tuổi các sọc này mất hẳn và toàn thân phủ màu đen hoặc nâu đậm. Lợn rừng thường đào bới, ủi đất để tìm kiếm thức ăn. Lợn ưa sống cùng bầy đàn. Khả năng tự vệ và phòng vệ của lợn rừng rất cao. Lợn rừng đẻ tự nhiên không cần sự can thiệp của con người, là loài cam con, nuôi con khéo. Hầu hết lợn mẹ không có biểu hiện sát nhau và 100% lợn mẹ ăn nhau sau khi đẻ. Năng suất sinh sản của lợn rừng Thái lan tương đối thấp. Lợn rừng Thái Lan có số con sơ sinh 5,87 con/lứa; số lợn con còn sống đến 24 giờ sau khi sinh  5,2 con/lứa, trong đó lợn đực chiếm tỉ lệ 56,7%; khối lượng sơ sinh lợn con đạt 0,37 kg/con; số con cai sữa đạt 4,43 con/lứa; khối lượng cai sữa lúc 120 ngày tuổi đạt 13,83 kg; khoảng cách giữa các lứa đẻ là 229,3 ngày.

Từ khóa: Lợn rừng, Thái Lan, Ngoại hình, Tập tính, Sinh sản.
https://doi.org/10.26459/jard.v67i4.3186