ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẾN CANH TÁC NƯƠNG RẪY VÀ BIẾN ĐỘNG DIỆN TÍCH RỪNG Ở XÃ HỒNG BẮC, HUYỆN A LƯỚI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Abstract

Canh tác nương rẫy gắn liền với sinh kế của đồng bào dân tộc miền núi. Đặc biệt, hình thức canh tác này phổ biến ở các xã miền núi của dãy Trường Sơn, trong đó có xã Hồng Bắc. Cũng như nhiều xã vùng cao khác, Hồng Bắc đối mặt với quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp trong khi diện tích đất lâm nghiệp cao, canh tác nương rẫy trở thành nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ cư dân địa phương. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng canh tác nương rẫy tại địa phương vào giai đoạn 2000 – 2011. Trong vòng 11 năm, diện tích đất nương rẫy tại xã Hồng Bắc có khuynh hướng gia tăng. Phần lớn diện tích đất nương rẫy có được xuất phát từ việc phá rừng tự nhiên. Theo đó, diện tích đất nương rẫy bị hoang hóa ngày càng gia tăng. Canh tác nương rẫy ở cộng đồng tộc người Pa Kôh gắn liền với nghi lễ truyền thống mà yếu tố tâm linh đóng vai trò chủ đạo. Các giải pháp bao gồm tái quy hoạch vùng canh tác nương rẫy tiềm năng kết hợp với cải thiện điều kiện canh tác của cộng đồng cư dân Hồng Bắc được đề nghị nhằm giảm thiểu tác động vào rừng và đất rừng.

https://doi.org/10.26459/jard.v75i6.3131