KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM TÔM NUÔI Ở CÁC TỈNH MIỀN TRUNG

Abstract

Miền Trung Việt Nam có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu với diện tích nuôi trồng năm 2010 hơn 79,9 nghìn ha, sản lượng vào khoảng 177,4 nghìn tấn, trong đó hơn 71,3 nghìn tấn tôm nuôi, góp phần to lớn vào 5,01 triệu USD giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tôm nuôi ở miền Trung có lợi thế so sánh cao trên thị trường thế giới. Nếu bỏ ra 0,66 USD chi phí nội nguồn để nuôi tôm và xuất khẩu sẽ thu về một lượng giá trị ngoại tệ gia tăng là 1 USD. Với các kịch bản phân tích riêng lẻ chi phí nội nguồn tăng đến 30%; chi phí ngoại nguồn tăng đến 30%, giá tôm xuất khẩu giảm đến 30% các hệ số DRC/SER tương ứng vẫn nhỏ hơn 1, tức lợi thế so sánh sản phẩm tôm nuôi ở miền Trung vẫn được duy trì. Ngoại trừ, trong trường hợp xấu nhất, chi phí nội nguồn và chi phí ngoại nguồn đều tăng 30% trong khi đó giá tôm xuất khẩu giảm 30% thì nuôi tôm ở miền Trung sẽ không có lợi thế so sánh, do hệ số DRC/SER lớn hơn 1. Để nâng cao lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm nuôi trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại như hiện nay, cần thiết phải quy hoạch vùng nuôi hợp lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng tôm; mở rộng thị trường thế giới.

https://doi.org/10.26459/hujos-ssh.v72i3.3617