ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỐI KHÍ HẬU CỦA CÁC MÔ HÌNH NUÔI XEN GHÉP TÔM SÚ, CÁ ĐỐI, CÁ KÌNH, CÁ DÌA TẠI ĐẦM PHÁ TAM GIANG – CẦU HAI, THỪA THIÊN HUẾ

Abstract

Kết quả việc phân tích và đánh giá các mô hình nuôi tôm sú xen ghép với cá (cá đối mục, cá dìa, cá kình) cho thấy sự có mặt của các loài cá khác nhau trong mô hình nuôi tôm sú theo hai phương thức BTC và QCCT ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là những mô hình có khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu các rủi ro về dịch bệnh và đáp ứng được nhu cầu thay đổi của thị trường tiêu thụ. Sử dụng các loài cá trong ao nuôi xen ghép đã góp phần duy trì (44,32%) và cải thiện (53,41%) chất lượng môi trường nước. Các thông số môi trường trong các hệ thống nuôi ghép đều được cải thiện hơn so với mô hình nuôi đơn và đều nằm trong giới hạn cho phép về chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản. Tình trạng dịch bệnh giảm đi đáng kể (98,89%) sau khi đưa mô hình vào áp dụng. Nhu cầu tiêu thụ các sảm phẩm từ mô hình đều ở mức cao và phù hợp với thị hiếu. Mặc dù người nuôi đã có sự chủ động trong tìm hiểu thông tin thi trường và tiêu thụ sản phẩm nhưng nhìn chung thị trường và giá cả vẫn bị khống chế bởi các tiểu thương và thương lái thu gom. Đây là những cơ sở đáng tin cậy để các nhà quản lý đề xuất các chính sách phù hợp nhằm phát triển biền vững nghề nuôi tôm tại địa phương.

Từ khóa: nuôi xen ghép, khả năng thích ứng, môi trường, dịch bệnh, thị trường
https://doi.org/10.26459/jard.v104i5.2958