NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC ĐỘ CAO BẤM NGỌN ĐẾN KHẢ NĂNG SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ CHO NĂNG SUẤT CỦA CÂY RAU CHÙM NGÂY (Moringa oleifera M. ) TRỒNG THEO QUY MÔ VƯỜN NHÀ TẠI THỪA THIÊN HUẾ

Abstract

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của các độ cao bấm ngọn khác nhau đến khả năng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất của cây rau chùm ngây. Thí nghiệm được tiến hành với 5 công thức bao gồm: CT 1: Bấm ngọn ở độ cao 45 cm từ mặt đất; CT 2: Bấm ngọn ở độ cao 55 cm từ mặt đất; CT 3: Bấm ngọn ở độ cao 65 cm từ mặt đất; CT 4: Bấm ngọn ở độ cao 75 cm từ mặt đất; CT 5: Bấm ngọn ở độ cao 85 cm từ mặt đất. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 4/2015 đến 8/2015 tại nhà lưới khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD) với 3 lần nhắc lại, diện tích ô thí nghiệm là 3 m2, 30 cây/lần nhắc lại/công thức. Cây giống rau chùm ngây được ươm sẵn trong bầu đạt 45 ngày tuổi, chuyển ra trồng trực tiếp trong nhà lưới, mật độ trồng 20 x 30 cm. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Độ cao bấm ngọn khác nhau chỉ ảnh hưởng đến chiều dài của chồi và số lá phát sinh trên chồi, ít ảnh hưởng đến đường kính thân, gốc rễ và số chồi phát sinh được. Bấm ngọn ở độ cao 55 cm (công thức 2), cây có khả năng sinh trưởng, và phát triển tốt, cho năng suất ổn định và tăng đều qua 3 lần thu hoạch, tổng năng suất 3 lần thu hoạch là 6350 g/ô thí nghiệm và đồng thời giảm cây đổ ngã khi mưa bão, thuận tiện nhất trong khâu thu hái và chăm sóc. Cần áp dụng kỹ thuật bấm ngọn khi cây đạt chiều cao 55 cm vào thực tế sản xuất, canh tác cây chùm ngây ở quy mô vườn nhà.

https://doi.org/10.26459/jard.v119i5.2897