Abstract
Nghiên cứu được thực hiện tại phường Hương An và Hương Chữ, nơi cung cấp rau chính cho thành phố Huế và các vùng phụ cận. Mục đích của nghiên cứu nhằm khảo sát thực trạng sản xuất rau và xác định hàm lượng một số kim loại nặng trong đất trồng rau và nước tưới tại 2 địa phương này để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các hộ dân ở 2 phường này đều có đất và tham gia trồng rau, tuy nhiên quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún. Chủng loại rau được sử dụng là khá đa dạng, nhưng chỉ có một số loại được trồng phổ biến như xà lách, cải, hành, ngò, húng, kiệu. Năng suất các loại rau chưa cao và không ổn định, hành là loại rau đạt năng suất cao nhất khoảng 10 tạ/sào và thu lãi khoảng trên 7 triệu đồng/sào. Kết quả phân tích một số kim loại nặng cơ bản như As, Cu, Pb, Cd, Zn trong 20 mấu đất trồng rau và Hg, Cd, Pb trong 16 mẫu nước tưới tại 2 phường này cho thấy hàm lượng kim loại nặng trong mẫu đất trồng rau và nước tưới đều dưới ngưỡng cho phép theo quy chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.