ĐÁNH GIÁ PHẨM CHẤT GẠO CỦA MỘT SỐ GIỐNG LÚA KHÁNG RẦY NÂU TRỒNG Ở THỪA THIÊN HUẾ

Abstract

Bài báo này trình bày kết quả đánh giá phẩm chất hạt gạo từ 8 giống lúa kháng rầy và một giống lúa đang trồng khá phổ biến ở Thừa Thiên Huế. Kết quả thí nghiệm cho thấy, hàm lượng protein của các giống lúa dao động trong khoảng 8,19 - 11,56%, trong đó, hàm lượng protein đạt cao nhất ở giống BG 367-2 (11,56%) và thấp nhất ở giống IRRI 352 (8,19%). Sự hiện diện và phân bố protein trên gel SDS cũng cho thấy các băng protein nằm trong khoảng 97,4 và 66,2 kDa của giống BG 367-2 cũng dày hơn và nhiều hơn hẳn so với giống IRRI 352. Trong 8 giống lúa kháng rầy nghiên cứu thì hàm lượng tinh bột ở giống Xương Gà đạt cao nhất (81,14%) và thấp nhất là ở giống Tép Hành Đột Biến (58,97%). Dựa trên hàm lượng amylose, độ bền gel và độ trở hồ, chúng tôi nhận thấy các giống IRRI 352, Khẩu Liến và Kháu Bốc May thuộc nhóm có cơm mềm và dẻo, các giống Lúa Râu, BG 367-2 và Xương Gà thuộc nhóm trung bình, còn các giống Chiêm Nam 2, Tép Hành Đột Biến thuộc nhóm có cơm cứng. Giống Lúa Râu và Xương Gà là những giống nổi trội có nhiều ưu điểm về chất lượng và phẩm chất dinh dưỡng hạt gạo nên có thể tuyển chọn để trồng trực tiếp hoặc để lai tạo giống lúa kháng rầy, có chất lượng cao trồng ở Thừa Thiên Huế.

Từ khóa: Amylose, độ bền gel, độ trở hồ, lúa kháng rầy, protein, tinh bột.

https://doi.org/10.26459/jard.v64i1.3087