Abstract
Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) là nguồn tài nguyên có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt đối với các cộng đồng có đời sống gắn liền với rừng ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Phần lớn người dân ở đây vẫn coi rừng như một kho nguyên liệu sẵn sàng cung cấp mọi thứ cho cuộc sống của họ, nên đã khai thác triệt để làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và các tổ chức phi chính phủ đã triển khai một số mô hình trồng LSNG trên địa bàn Hướng Hóa và Đakrông là hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Nhiều mô hình lâm sản ngoài gỗ đã được hình thành và phát triển, bao gồm các loại cây LSNG chủ yếu: Tre lấy măng, sa nhân, mây nước, bời lời đỏ và bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Một số mô hình trồng bời lời đỏ, trồng tre lấy măng hàng năm cho lợi nhuận từ 10 – 13 triệu đồng/ha. Các mô hình đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần không nhỏ trong phục hồi tài nguyên rừng.