ĐẶC ĐIỂM THẠCH HỌC, THẠCH ĐỊA HOÁ CÁC ĐÁ MAGMA PHỨC HỆ BẾN GIẰNG VÀ PHỨC HỆ VÂN CANH, KHU VỰC SA THẦY, TỈNH KON TUM

Tóm tắt

Các khối đá magma phức hệ Bến Giằng và Vân Canh ở Sa Thầy, Kon Tum, có dạng đẳng thước với diện lộ nhỏ. Thành phần thạch học của chúng chủ yếu gồm đá diorit hornblend biotit, granodiorit biotit (phức hệ Bến Giằng), đá granit biotit hạt mịn đến vừa và granit biotit hạt mịn (phức hệ Vân Canh). Hàm lượng SiO2 dao động từ 59,84 đến 77,29%; hàm lượng Al2O3 cao (12,53–17,26%). Tất cả các mẫu nghiên cứu có lượng tổng kiềm 4,71–8,36%, chỉ số bão hoà nhôm ASI lớn hơn 1 (1,01–1,1) và tỉ số K2O/Na2O lớn hơn 1 là những tính chất điển hình cho đá loạt kiềm – vôi. Các đá thể hiện dị thường âm của tổ hợp Ta, Nb và Ti đặc trưng cho dung thể magma có nguồn gốc liên quan đến đới hút chìm của rìa lục địa tích cực. Hàm lượng các nguyên tố vết Sr (76–549 ppm, trung bình 347 ppm), Zr (111–296 ppm, trung bình 167 ppm) và Nb thấp (9–15 ppm, trung bình 11 ppm), nhưng hàm lượng Rb cao (171–309 ppm), đặc trưng cho granit kiểu S. Mặt khác, mối tương quan giữa Th/Yb – Ta/Yb và Th/Ta – La/Yb cho thấy các granitoid Sa Thầy đều thuộc trường vỏ lục địa và vỏ lục địa phần trên đã bị hỗn nhiễm vật liệu vỏ.

https://doi.org/10.26459/hueunijese.v131i4A.6130
PDF
Creative Commons License

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 4.0 License International .

Bản quyền (c) 2023 Array