Abstract
Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp thay thế sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi thành lập các khu rừng đặc dụng. Hiện tại, ở vùng đệm khu bảo tồn (KBT) Saola Huế và khu vực mở rộng của Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã ở tỉnh Thừa Thiên Huế, có hai nhóm dân tộc chính đang sinh sống ở trong vùng đệm, đó là dân tộc Ka Tu và Tà Ôi. Hầu hết người dân tộc sinh sống ở đây là nghèo, sống phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên rừng tự nhiên. Bởi vậy, sau khi thành lập hai khu rừng đặc dụng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, ảnh hưởng chính là giảm nguồn thu nhập từ thu hái sản phẩm rừng. Kết quả nghiên cứu cho thấy từ khi thành lập rừng đặc dụng phạm vi và qui mô sử dụng sản phẩm rừng của người dân giảm, nhưng vẫn còn cao. Sau khi thành lập, tỷ lệ phần trăm của hai nhóm hộ (hộ nghèo và thoát nghèo) ở 26 thôn lựa chọn vẫn còn phụ thuộc vào KBT Saola và khu vực mở rộng của VQG Bạch Mã lần lượt là 44,5 % và 54 %. Ba giải pháp chính thay thế sử dụng tài nguyên cũng đã được đề xuất bởi các thôn và cá nhân bị ảnh hưởng, bao gồm i) Phát triển mô hình trồng Keo và Cao su, ii) xây dựng các mô hình chăn nuôi, iii) mô hình hợp đồng bảo vệ rừng tự nhiên và thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích và iv) cải tiến các mô hình sản xuất hiện nay. Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp cho các nhà quản lý địa phương, Ban quản lý KBT Saola và VQG Bạch Mã phát triển một chương trình can thiệp nhằm giảm thiểu các mối đe dọa tới loài Saola, các loài động vật de dọa khác và cải thiện điều kiện sống người dân địa phương bị ảnh hưởng trong tương lai.
Từ khóa: Mô hình, giải pháp thay thế, rừng đặc dụng, khu bảo tồn, Vườn quốc gia.